8 quy tắc vàng giúp bảo vệ thận

8 quy tắc vàng giúp bảo vệ thận

 

Ngày Thận Thế Giới năm nay 12/3/2020 có chủ đề nâng cao nhận thức của cộng đồng về gánh nặng kinh tế do bệnh thận gây ra, đồng thời nhấn mạnh việc bảo vệ thận và ngăn chặn bệnh thận tiến triển. Hãy cùng tìm hiểu 8 quy tắc vàng giúp bảo vệ thận của mình qua bài viết sau.
 

  Bệnh thận mạn tính không phải là một bệnh lây truyền từ người này sang người khác. Hiện nay trên toàn thế giới có khoảng 850 triệu người đang bị bệnh. Cứ mỗi 10 người lớn thì có 1 người bị bệnh thận mạn.

  Gánh nặng y tế toàn cầu do bệnh thận mạn đang tăng nhanh và bệnh thận mạn tính sẽ trở thành bệnh lý gây tiêu tốn chi phí y tế lớn thứ 5 toàn cầu vào năm 2040.

  Để điều trị bệnh thận mạn tính thì chạy thận nhân tạo và ghép thận đã chiếm đến 2-3% tổng ngân sách y tế hàng năm ở các nước phát triển. Còn ở các nước đang phát triển, hầu hết các bệnh nhân không đủ khả năng chi trả cho việc chạy thận nhân tạo và ghép thận.

  Một trong các nguyên nhân thường gặp dẫn đến việc phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn là do tình trạng chủ quan, chưa quan tâm đến việc kiểm tra, tầm soát bệnh thận vẫn còn khá phổ biến hiện nay.

  Vì vậy Ngày Thận Thế Giới năm nay 12/3/2020 có chủ đề nâng cao nhận thức của cộng đồng về gánh nặng kinh tế mà bệnh thận gây ra, đồng thời nhấn mạnh đến việc bảo vệ thận và ngăn chặn tiến triển của bệnh thận. Sau đây là các bí quyết giúp chúng ta bảo vệ thận của mình.
 

8 QUY TẮC VÀNG GIÚP BẢO VỆ THẬN

 1. THƯỜNG XUYÊN TẬP THỂ DỤC: giúp duy trì cân nặng lý tưởng, giảm huyết áp, và giảm các nguy cơ của bệnh thận mạn.

 

 
 

2. CHẾ ĐỘ ĂN LÀNH MẠNH: giúp duy trì cân nặng lý tưởng, giảm huyết áp, phòng ngừa bệnh tiểu đường và những tình trạng liên quan đến bệnh thận mạn.

Chúng ta cần giảm lượng muối ăn hàng ngày trong khoảng từ 5-6 gram (tương đương 01 muỗng cà phê chia 03 bữa trong 1 ngày). Nên hạn chế đi ăn nhà hàng và không nên ăn các thực phẩm đã chế biến sẵn như đồ hộp, giò lụa, xúc xích, cá khô…vì chúng chứa nhiều muối. Một mẹo nhỏ là không nêm thêm muối vào thức ăn. Nên tự nấu ăn cho mình bằng những nguyên liệu tươi ngon.

 
 

3. THƯỜNG XUYÊN KIỂM TRA VÀ KIỂM SOÁT ĐƯỜNG HUYẾT:

Khoảng 50% bệnh nhân đái tháo đường không biết bản thân họ mắc bệnh này. Do đó, cần phải kiểm tra đường huyết mỗi khi đi khám sức khỏe tổng quát. Điều này đặc biệt quan trọng cho những ai đang ở tuổi trung niên hoặc tuổi già.

Khoảng một nửa số bệnh nhân mắc đái tháo đường đều diễn tiến đến tổn thương thận; nhưng việc này có thể được phòng ngừa hoặc hạn chế nếu như đường huyết được kiểm soát tốt.

Ngoài ra, nên kiểm tra chức năng thận đều đặn bằng xét nghiệm máu và nước tiểu.

 

 

4. THƯỜNG XUYÊN KIỂM TRA VÀ KIỂM SOÁT HUYẾT ÁP

Khoảng 50% số bệnh nhân có huyết áp cao không biết họ bị tăng huyết áp. Do đó, chúng ta cần kiểm tra huyết áp mỗi khi đi khám sức khỏe tổng quát. Điều này cực kì quan trọng cho những người thuộc tuổi trung niên hoặc tuổi già. Xác suất bệnh thận mạn càng cao khi tăng huyết áp đi kèm với những tác nhân khác như đái tháo đường, tăng cholesterol máu và các bệnh tim mạch. Nguy cơ có thể được giảm bằng việc kiểm soát huyết áp tốt.

Huyết áp của người trưởng thành bình thường ở mức dưới 120/80 mmHg. Tăng huyết áp được chẩn đoán nếu, khi được đo vào 2 ngày khác nhau, huyết áp tâm thu được đo cả hai lần đều ≥ 140 mmHg và/ hoặc huyết áp tâm trương cả hai lần ≥ 90 mmHg (theo Tổ chức Y tế thế giới).

Nếu huyết áp của bạn tăng kéo dài trên mức bình thường (đặc biệt bạn là người trẻ tuổi), nên đi khám bác sĩ để thảo luận về các nguy cơ, những điều cần thiết để điều chỉnh lối sống và điều trị thuốc.

 

 
Hiệp Hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) và Hội Tim mạch học Hoa Kỳ (ACC) đã đưa ra hướng dẫn về tăng huyết áp (năm 2017) và đề xuất rằng tăng huyết áp nên được điều trị sớm nhờ vào thay đổi lối sống và điều trị bằng thuốc ở mức huyết áp 130/80 mmHg thay vì 140/90 mmHg. Tuy nhiên, không phải tất cả các tổ chức y tế trên thế giới đều đồng thuận với khuyến cáo này. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ của bạn.
 
5. UỐNG NƯỚC ĐẦY ĐỦ:

Lượng nước phù hợp cần uống cho mỗi cá nhân phụ thuộc vào nhiều yếu tố như luyện tập, thời tiết, tình trạng sức khỏe, mang thai và cho con bú.

Điều này có nghĩa là bình thường chúng ta cần uống 8 cốc nước, tương đương 2 lít nước mỗi ngày cho một người khỏe mạnh trong điều kiện khí hậu bình thường. Lượng nước uống cần được điều chỉnh nếu như bạn có bệnh về thận, tim, hoặc gan và nên tham khảo ý kiến bác sĩ về lượng nước uống phù hợp đối với tình trạng của bạn.

 
 

6. KHÔNG HÚT THUỐC LÁ

Hút thuốc lá làm chậm tốc độ tưới máu đến thận, hậu quả có thể làm giảm chức năng bình thường của thận. Hút thuốc lá cũng làm tăng nguy cơ ung thư thận lên 50%.

                                                                                                           

7. KHÔNG TỰ Ý MUA THUỐC KHÁNG VIÊM/THUỐC GIẢM ĐAU TẠI NHÀ THUỐC THƯỜNG XUYÊN MÀ KHÔNG THAM KHẢO Ý KIẾN BÁC SỸ

Những thuốc thông thường như thuốc kháng viêm không Steroid (NSAID) hay giảm đau (như ipuprofen) có thể làm hại thận nếu như uống thường xuyên.

Nếu bạn có bệnh thận hay chức năng thận suy giảm, chỉ uống một liều nhỏ cũng có thể làm hại đến thận của bạn. Nếu nghi ngờ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.

       

8. KIỂM TRA CHỨC NĂNG THẬN NẾU BẠN CÓ MỘT HAY NHIỀU HƠN CÁC YẾU TỐ “NGUY CƠ CAO” SAU:

- Tiểu đường.

- Tăng huyết áp.

- Béo phì.

- Có tiền sử gia đình mắc bệnh thận.

 

BS CKII Lê Thị Hồng Vũ

– Khoa Nội thận - Miễn dịch ghép, Bệnh viện Nhân dân 115